Việt Nam Học-Văn Hóa Du Lịch
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Việt Nam Học-Văn Hóa Du Lịch

Việt Nam Học-Văn Hóa Du Lịch
 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 DÂN CA CỦA DÂN TỘC THÁI

Go down 
Tác giảThông điệp
pham_vanhanh_051188
Admin
pham_vanhanh_051188


Tổng số bài gửi : 51
Join date : 10/11/2009
Age : 35

DÂN CA CỦA DÂN TỘC THÁI Empty
Bài gửiTiêu đề: DÂN CA CỦA DÂN TỘC THÁI   DÂN CA CỦA DÂN TỘC THÁI EmptySat Dec 12, 2009 5:52 pm

DÂN CA CỦA DÂN TỘC THÁI Image27
http://www.baodientusonla.com.vn/images/12dantoc/thai/vong-xoe.jpg[/img]
một số hình ảnh của dân tộc thái

ĐÔI NÉT VỀ DÂN TỘC THÁI
Dân tộc Thái có trên 1 triệu người sinh sống tập trung chủ yếu tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Yên Bái, Nghệ An, Thanh Hoá và sinh sống rải rác ở một số tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên do di dịch cư. Dân tộc Thái còn có những tên gọi khác là Táy và có các nhóm Táy Đăm, Táy Khao, Táy Mười, Táy Thanh, Hàng Tổng, Pu Thay, Thổ Đà Bắc. Tiếng Thái thuộc hệ ngôn ngữ Tày-Thái.
Đồng bào Thái rất thích ca hát, đặc biệt là khắp. Khắp là lối ngâm thơ hoặc hát theo lời thơ, có thể đệm đàn và múa. Nhiều điệu múa như múa xoè, múa sạp, múa quạt độc đáo. Vào dịp lễ hội, hạn khuống và ném còn là hai trò chơi mang nét đặc trưng nổi tiếng của người Thái.
Khắp
Khắp thực chất là hát, nói cách khác khắp là cách trình diễn thơ ca. Hiện nay có khá nhiều làn điệu khắp khác nhau, nhưng có thể chia thành hai loại chính là khắp bắc (hát sáng tác mới) và khắp lời truyền thống. Khắp lời truyền thống là lời khắp phổ biến nhất hiện nay. Trong các cuộc khắp đối đáp, khắp giao duyên, người khắp sẽ chọn những câu, đoạn để khắp cho phù hợp, hoặc cùng nhau khắp những bài khắp truyền thống của đồng bào mình.
Hát khắp được chia thành 2 làn điệu riêng gồm điệu Hà ơi và điệu Hăn nê, trong đó điệu Hà ơi phổ biến ở tất cả các vùng dân tộc Thái sinh sống, nhưng riêng điệu Hăn nê là đặc trưng riêng có của vùng Nghĩa Lộ - Mường Lò. Lời hát khắp là những bài thơ, câu nọ vần với câu kia hoặc thể loại văn vần được diễn đạt trên 2 làn điệu nói trên, nội dung để ca ngợi những nét đẹp của quê hương, đất nước, những công việc lao động thường ngày, thăm hỏi, chúc tụng và đặc biệt là hát giao duyên. Những nhạc cụ đệm cho lời khắp gồm khèn bè, các loại pí: pí ló, pí pặp, pí thiu, mắc hính, tính tẩu.
Là 1 thể loại hát dân gian nên các điệu khắp, lời khắp cũng từ xưa truyền lại, sau này thế hệ con cháu phát triển thêm nhiều bài thơ, bài khắp mới làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của dân tộc mình và cũng để biểu lộ nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, lứa tuổi khác nhau.
Khắp là hình thức đối đáp giữa nam và nữ rất phổ biến. Ở mỗi địa phương cũng có một làn điệu khắp riêng mà mọi tầng lớp dân trong bản Thái đều biết. Đặc biệt, một vài điệu khắp được hát trong những dịp khác nhau như:
Khắp Ỉn Sao: Lối hát đối đáp của thanh niên nam – nữ Thái trong những đêm trăng sáng, nhàn rỗi để tìm hiểu, tâm sự. Trong khi hát, nam dùng Pí Pạp (một loại sáo), nữ dùng Hừn Toong (một loại đàn môi) để đệm theo.
Khắp Kin Lẩu, Kin Khẩu: là lối hát vui trong các buổi tiệc rượu, cưới hỏi… Có nhiều điệu khác nhau như hát Mời Rượu, hát Chúc rượu, hát Mời lẩu, hát Sao Sên… tùy theo địa phương. Nội dung trữ tình, nét nhạc duyên dáng, lối ca dí dỏm, tinh tế.
Khắp Hạn Khuống: là loại dân ca phong tục, hát trên sàn cao (gần như một loại sân khấu lộ thiên) của thanh niên nam – nữ. Đây là lối hát đối đáp giữa những cô gái ngồi kéo sợi trên sàn vào các buổi tối, thanh niên trong bản đem khèn, tính tẩu, pí pặp đến hoà ca và tỏ tình.
Lối hát này có tổ chức gần như hát Quan Họ của người Kinh, là hình thức sinh hoạt nghệ thuật dân gian do phụ nữ đứng ra tổ chức. Mỗi hạn khuống có từ 5 đến 10 người, coi như những hội viên chính thức, gọi là “sao lắc sây”. Hạn khuống do một người phụ nữ giỏi hát, có tài ứng đối và là người tổ chức của hạn khuống đứng đầu gọi là “Me tổn” hoặc “tổn khuống”.
Khi hạn khuống dựng xong, Me tổn mời dân bản ăn mừng và mời thanh niên nào hát hay, ứng đối giỏi nhất bản lên hạn khuống hát khai mạc, mở đầu các buổi tối sinh hoạt ca hát Khắp Hạn Khuống.
Mỗi bản có thể có nhiều hạn khuống. Qua sinh hoạt Hạn khuống, biết được bản to hay nhỏ, giàu hay nghèo, phong trào ca hát mạnh hay yếu…
Nội dung của Khắp Hạn Khuống là ca ngợi thiên nhiên, cổ vũ tinh thần yêu lao động, đề cao tính trung thực, khuyên làm điều lành, tránh cái ác, nói về tình yêu nam nữ… Tính chất âm nhạc trữ tình, trong sáng.
Khắp Long Tong: là điệu hát khi lao động, trên ruộng nương, thanh niên nam nữ vừa hát đối đáp vừa làm nương. Tính chất âm nhạc trữ tình, trong sáng và có ảnh hưởng đến loại hát nghi lễ.
Khắp Xe (hình thức hát Múa):
Khắp xe là loại tình ca, có nhiều điệu khác nhau, khi hát có múa. Nhiều bài ở loại này được phổ biến rộng rãi như: Tăng Xạ, Inh Lã Ơi, …
Khắp Sên:
Khắp Sên là loại hát có tính chất thờ cúng tôn giáo do các thầy mo, thầy Then chuyên hát mỗi khi có người mời đến nhà để cúng then. Khi hát thường có Pí mo (hoặc Pí Một Lao – một loại sáo) đệm theo. Có 4 thứ khắp Sên, mỗi thứ gồm nhiều điệu hát khác nhau:
Khắp Sên Hươu: hát mừng nhà mới.
Khắp Sên Bản hoặc Sên Mường: cầu phúc cho dân bản thịnh vượng.
Khắp Một Lao: cầu cho người ốm chóng khỏi, người chết được lên thiên đàng.
Khắp Một Nhinh hoặc Khắp A ni: cầu cho trẻ nhỏ ốm chóng khỏi, bị chết được lên cõi trên.
Ú Noọng:
Lối hát ru em, ru con của dân tộc Thái được gọi là Ú Noọng. Mỗi địa phương có một điệu khác nhau.
Trẻ em dân tộc Thái cũng có một số bài Đồng dao như: trò Vào vào ra ra (Phong Châu, Lai Châu), trò Đánh đu (Thanh Hoá)…
Nhìn chung, các điệu hát của dân ca Thái thường dùng tiếng đệm: lả ơi là ha ơi, ây dơ ây dơ, ia oi I dơ… Giai điệu trong hệ thống thang 3, 4, 5 âm (Do – Fa – Sol, Do – Re – Fa – Sol, Do – Re – Fa – Sol – La) gần với âm nhạc Miến Điện, Lào. Một số điệu múa hát dân tộc Thái được phổ biến rộng rãi như: Xoè Thái, Ngày Mùa, Múa Sạp… tính chất âm nhạc nhìn chung trong sáng, vui tươi, trữ tình, tiết điệu rõ ràng, nhịp độ từ vừa phải đến nhanh.
Hát then, đàn tính loại hình nghệ thuật độc đáo

Không đứng trước nguy cơ thất truyền như ca Trù hay hát Xoan, hát Then- đàn Tính cũng như Quan họ, đang có đời sống khá mạnh mẽ trong cộng đồng người dân bản địa. Tuy chưa được biết đến rộng rãi, song với những làn điệu mượt mà, với sức sống và sức truyền cảm sâu sắc, hát Then- đàn Tính cũng xứng đáng được coi là một di sản văn hoá
Từ xa xưa, đàn tính và hát then đã được lưu truyền và đi vào lòng người, đồng thời gắn liền với sự phát triển của nền văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Tày, Thái.
Cho đến nay vẫn chưa có ai biết đích xác quá trình ra đời và phát triển của then. Có ý kiến khẳng định then “then khai sinh” từ Cao Bằng phục vụ đời sống tinh thần của người dân lao động, sau đó người nhà Mạc phát triển thành nhạc biểu diễn trong cung đình. Đó là thời kỳ cực thịnh của hát then. Có ý kiến lại cho rằng hát then có nguồn gốc từ Yên Bái, Lạng Sơn… Như vậy, nguồn gốc hình thành và phát triển của hát then còn tiêu tốn nhiều giấy mực của các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian.
Tuy vậy, các nhà nghiên cứu đều thống nhất: Hát then là loại hình diễn xướng dân gian tổng hợp có từ lâu đời và đặc biệt phổ biến ở vùng dân tộc Tày- Nùng. Đây là loại dân ca gắn với nghi lễ cúng tế, đậm nét màu sắc tín ngưỡng. Then là tổng hoà các loại hình nghệ thuật nhạc- hát- múa- mỹ thuật và trò diễn, chịu nhiều ảnh hưởng của các loại hình dân ca khác như: mo, sli, lượn, phong slư, tào…
Then là thiên (trời), là tiên (bụt) tức là của nhà trời. Ngày xưa hát then được các bà then, ông then diễn xướng trong lễ cầu an, sinh nhật, giải hạn, bói toán, cầu mùa, tống tiễn, gọi hồn gọi vía, mãn tang, thậm chí cả chữa bệnh. Đối với những dịp trọng đại như cấp sắc cho người làm then hay hội then thì có khi phải kéo dài đến 3 ngày 3 đêm mới xong, gọi là lẩu then. Làn điệu then không nhiều nhưng lời bài then rất phong phú như then hát khoăn (vừa hát ngâm nga, vừa đánh đàn tính và xóc nhạc).
Hát then là một thể loại ca nhạc tín ngưỡng của người Tày, Nùng. Có thể xem hát then là một cuộc diễn xướng trường ca mang màu sắc tín ngưỡng tường thuật lại cuộc hành trình lên thiên giới để cầu xin Ngọc hoàng giải quyết một vấn đề gì đó cho gia chủ.
Các bản trường ca thường gồm nhiều chương đoạn với độ dài ngắn và nội dung chi tiết ít nhiều khác biệt. Bản dài nhất đã sưu tầm được dài tới 4949 câu với 35 chương đoạn.
Hát then là một hình thức diễn xướng tổng hợp bao gồm cả ca nhạc, múa, diễn với nhiều tình huống khác nhau. Trong cuộc lễ, ngoài nhiệm vụ thực hiện các nghi thức cúng, then hoặc giàng đồng thời phải đảm nhiệm chức năng của một diễn viên tổng hợp. Họ vừa hát, tự đệm, vừa múa và diễn để thể hiện nội dung các câu hát, đôi khi còn biểu diễn cả những trò nhai chén, dựng trứng, dựng gươm...
Nói đến hát then không thể không nhắc đến cây đàn tính - một nhạc cụ có thể nâng tiếng hát then bay cao, vang xa. “Cặp đôi” này đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào dân tộc Tày - Nùng - Thái, phản ánh sinh động cuộc sống tinh thần và phong tục tập quán tín ngưỡng của những nhóm tộc người này.
Tính tẩu thuộc họ đàn dây (Famille cordophone). Khi đánh đàn dùng ngón trỏ của tay phải để gảy. Đàn được làm bằng quả bầu (bầu nậm) cắt đi 1/3 và gắn vào cần đàn (chiều dài của cần bằng 9 nắm tay theo cách đo dân gian). Cây tính tẩu có 2 dây, khác với tính tẩu Việt Bắc (Cao Bằng, Lạng Sơn) có 3 dây.
Vai trò và vị trí của đàn tính trong nhạc, hát then giữ vị thế độc tôn. Nó vừa dẫn dắt vừa đệm, đồng thời cũng là một giọng hát thứ hai bổ sung cho giọng hát của nghệ nhân diễn xướng.
Then tính tẩu là loại hát mang tính chất lễ và hội. Ngoài yếu tố tâm linh như dùng để cầu, chúc phúc, cầu được mùa, then còn vui đón khi Tết đến xuân về, giải trí mua vui, giãi bày nỗi lòng, thậm chí thể hiện tình yêu trai gái hoặc ngợi ca quê hương, bản làng...
Vì nhạc then có tiết tấu mạch lạc, nhịp phách rõ ràng; lời thường theo thể thất ngôn (bảy chữ), then vì thế không ngân dài, dìu dặt. Do đó nó không giữ vai trò đệm cho các loại hát dân ca khác.
Người Tày, người Thái là Hoa - Đất Yên Bái. Then tính tẩu là hương sắc của Hoa, của Đất ấy và là tình yêu, là khúc nhạc rừng bất diệt.
Nhạc cụ dân tộc Thái
Tính Tẩu: Loại đàn gẩy có 2 dây của người Thái (người Tày, người Nùng cũng có Tính tẩu, nhưng 3 dây). Âm thanh nghe cao, thấp khác nhau tùy loại đàn lớn nhỏ. Âm sắc nghe vui, ấm, réo rắt, nhẹ nhàng.
Nói đến âm nhạc các dân tộc Việt Nam, chúng ta không thể không nhắc đến phong tục thổi pí (hay còn gọi là thổi sáo) của dân tộc Thái. Đối với người Thái, thổi pí đã góp phần gìn giữ tinh hoa, bản sắc âm nhạc dân tộc cũng như làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần của người dân.
Pí là loại nhạc cụ làm bằng ống nứa, phần đầu của chiếc pí được gắn với một thanh đồng nhỏ để khi thổi, âm thanh phát ra trong hơn. Pí có nhiều loại. Pí đơn thường được người con trai thổi vào ban đêm thay cho lời gọi người yêu. Giai điệu khi thổi loại pí này thường rất buồn: "Đêm đã khuya/ Sương rơi nhiều/ Vầng trăng dần khuất sau mây/Anh ở xa đến tìm gặp em/ Em ơi hãy dậy để chúng mình trò chuyện, tâm sự…". Đó là giai điệu bày tỏ tâm trạng mong đợi của những chàng trai muốn được gặp người mình yêu nhưng mãi không thấy nàng ra mở cửa. Giai điệu này được người Thái gọi là giai điệu "Gọi người yêu".
Pí Thỉu: là kiểu sáo thổi dọc làm bằng trúc, nứa hoặc tre với nhiều kích cỡ, to nhỏ, dài ngắn khác nhau. Âm thanh nghe ấm áp, du dương.Pí Đôi: là loại sáo thổi dọc, gồm 2 ống nứa tép ghép liền nhau, mỗi ống có một lưỡi gà bằng đồng. Âm thanh nghe trong trẻo.
Pí Pặp: là loại sáo thổi ngang, có lưỡi gà bằng đồng (giống sáo Salơ của dân tộc Bahnar; giống sáo Trèm Pơ ải của dân tộc H’mông). Có nhiều kiểu dài ngắn, to nhỏ với những âm thanh có âm vực khác nhau, âm thanh nghe du dương, êm dịu. Thanh niên dùng thổi những bản nhạc trữ tình trong lúc vui chơi, trò chuyện với người yêu.
Pí Mo hoặc Pí Một Lao: là loại sáo ngang làm bằng nứa tép, có lưỡi gà đồng. Khi thổi vào, hít ra đều kêu cả, có thể thổi được bán cung liên tục. Có nhiều kích cỡ to nhỏ, dài ngắn khác nhau. Thầy mo thường thổi trong những khi “Khắp Sên”
Hừn Toong (giống đàn môi Pàng tơ ích của dân tộc H’mông) là một thứ đàn môi làm bằng đồng lá. Âm thanh nhỏ, rất sẽ. Hừn Toong là nhạc cụ thanh niên dùng để tâm sự đôi lứa trong đêm khuya. Âm điệu du dương trữ tình.
Có thể nói, đối với người dân Thái, đặc biệt là các chàng trai, cô gái, cây pí đã trở thành một nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống tinh thần của họ. Chiếc pí đã thay cho lời tâm sự, lòng người muốn nói với nhau. Thổi pí kết hợp với hát giao duyên đã và đang là nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc Thái.
Ngoài ra người Thái còn dùng Trống Đồng vào những lễ “Sống – Chết” (gọi là Kha váo).[img]
Về Đầu Trang Go down
 
DÂN CA CỦA DÂN TỘC THÁI
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Đệm bông lau – cái nết của người con gái Thái

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Việt Nam Học-Văn Hóa Du Lịch :: Tài Liệu Và Kiến Thức Du Lịch :: Tài Liệu Tổng Hợp :: Các Dân Tộc Việt Nam-
Chuyển đến