Việt Nam Học-Văn Hóa Du Lịch
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Việt Nam Học-Văn Hóa Du Lịch

Việt Nam Học-Văn Hóa Du Lịch
 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 Mùa này, Côn Đảo...

Go down 
Tác giảThông điệp
fiditour
Thành Viên Năng Động
Thành Viên Năng Động
fiditour


Tổng số bài gửi : 24
Join date : 07/07/2010

Mùa này, Côn Đảo... Empty
Bài gửiTiêu đề: Mùa này, Côn Đảo...   Mùa này, Côn Đảo... EmptyTue Jan 18, 2011 11:40 am

Những ngày tháng Chạp này, Côn Đảo bỗng dưng bị biệt lập hoàn toàn với đất liền. Biển động dữ dội, phương tiện lưu thông tối quan trọng để duy trì mối liên hệ giữa đất liền và người dân ở đảo là thuyền không thể phát huy vai trò của mình. Côn Đảo cũng vì thế mà phút chốc trở nên xa vời vợi… Ngoài kia, gió thét gào như muốn thổi tung những con sóng trắng về miền tít tắp nào đó.

Mùa này, Côn Đảo... Condao1999-400


1. Côn Đảo chỉ cách tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 97 hải lý, đây là một cụm đảo mà theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì bao gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ với tổng diện tích là 76km2. Trong đó, Côn Lôn hay còn gọi là Côn Sơn, Phú Hải là đảo có diện tích lớn nhất hơn 51km2, đồng thời có người dân sinh sống lẫn giao thương... So với thiên đường du lịch là đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang, Côn Đảo vẫn còn ẩn chứa nhiều nét hoang sơ, trong khâu dịch vụ níu chân khách du lich còn hạn chế ngoài thế mạnh tự nhiên là biển, rừng, các cụm di tích lịch sử nổi tiếng...

Cách TP HCM chỉ với 26 phút bay, điều này đồng nghĩa với việc vừa lên máy bay, nhìn cô tiếp viên xinh đẹp nở một nụ cười duyên dáng là ngay lập tức được nghe tiếng thông báo: Máy bay chuẩn bị giảm độ cao để hạ cánh, đề nghị quý khách không rời khỏi chỗ ngồi, kiểm tra lại dây an toàn.... Thêm nữa, cước phí di chuyển bằng máy bay đến Côn Đảo khá rẻ. Chỉ cần thủ thuật, mua vé giá rẻ chiều đi của Air Mekong và đăng ký vé chiều về của VietNam Airline thì chỉ tròm trèm 1,3 triệu. Với điều kiện cần phải chịu khó lên mạng Internet để đăng ký mua vé máy bay sớm.

Nói là thuận lợi như vậy, nhưng cũng phải lỡ hẹn với Côn Đảo vài lần tôi mới đến được nơi này. Lần đầu tiên khi chuẩn bị bay thì buộc phải đi công tác do công việc yêu cầu. Lần nữa là do trù trừ về mặt thời gian. Và lần này thì suýt bị giữ lại sân bay Tân Sơn Nhất vì sự khó chịu của tay nhân viên an ninh hàng không. Trục trặc một ít về giấy tờ, tôi được nhân viên của Hãng Hàng không Air Mekong hướng dẫn tận tình đến Phòng An ninh của sân bay để trình bày. Không cần nghe tôi nói hết câu, mắt anh nhân viên này bỗng long lên sòng sọc, hoa chân múa tay như chuẩn bị lao vào ẩu đả với hành khách... Tôi đứng há mồm nhìn, bởi không biết phản ứng như thế nào đối với ca lạ này. Cũng may tất cả rồi cũng xong. Tôi ra Côn Đảo mang theo cả nỗi ấm ức vì cách hành xử lạ lùng của nhân viên an ninh ấy.

Sân bay Cỏ Ống vừa nhỏ, vừa xinh, gió thốc lồng lộng đặc trưng của những sân bay trên đảo. Bốn bên là bạt ngàn đồi núi, xanh mướt. Từ sân bay để đến trung tâm Côn Lôn phải mất hơn 30 phút bằng xe đưa đón của khách sạn. Qua những con dốc ngoằn ngoèo,... tiếng của hướng dẫn viên du lịch phía sau xe cứ líu lo như chim hót, nhưng hình như cô quên mất câu cảnh báo... Mùa này biển động.

Biển động mà lại ở đảo, giá lương thực được đội lên đến mức chóng mặt. Cô bán bánh mỳ ở lề đường đưa cho tôi ổ bánh mỳ kẹp trứng nói giá 15.000 đồng kèm theo lời phân bua: Biển động, biển động cậu thông cảm!. Biển động, không khí thanh bình vốn dĩ trên đảo phút chốc trở thành hắt hiu. Từng tốp thanh niên không thể ra khơi, lũ lượt kéo nhau đi hàng dài trên phố hoặc đơn giản là ngồi canh biển. Biển động, đơn giản là nên quên ngay đi giấc mơ về nước xanh, cát trắng, gió nhẹ và cả những giấc mơ mang hình hài hải sản.

2. Ở Côn Đảo kiếm rạc cả chân cũng không ra một quầy bán báo, anh thanh niên đứng trước cửa hàng điện thoại di động vừa nhắn tin vừa nói với tôi rằng: Bán báo ở đây ai mua. Chỉ có mấy ông quan chức đặt báo trước nên có báo thôi, còn lại, không ai rảnh mà đi đọc báo đâu. Không có báo chí, đồng nghĩa với việc từ chối tiếp nhận thông tin. Để quên một ít giấy tờ tùy thân tại Sài Gòn, tôi cứ cuống cuồng chạy khắp đảo tìm dịch vụ chuyển phát nhanh bởi không có nó thì không thể làm thủ tục lên máy bay được. Vậy mà, ngay trên đảo dẫu có trụ sở bưu điện to vật vã nhưng lại không có dịch vụ chuyển phát nhanh.

Tất cả các loại bưu phẩm, hàng hóa, thư tín của người dân trên đảo nếu muốn về đến đất liền hoặc ngược lại đều phải trông chờ vào biển. Biển không động, tàu đi nhanh, thư tín từ đất liền sẽ đến đảo sau khoảng 10 hoặc 15 ngày. Còn nếu biển động như thời điểm này, thì khoảng thời gian cho bưu phẩm là bao lâu thì chẳng ai biết được. Ấy vậy mà, dịch vụ chuyển tiền nhanh Western Union đã có mặt rất trang trọng ngay mặt tiền bưu điện. Gần khu di tích giữa nhà tù Phú Hải và biệt điện của chúa đảo, là trụ sở đang xây dựng của Ngân hàng Viettin Bank... Nói tếu táo thì những gì liên quan đến tiền bạc, người dân đang sinh sống trên đảo đều được các đơn vị tài chính cung cấp chu đáo đến tận... mắt lưới kéo cá.

Đi đảo, mà không được chào mời nhiều những loại hình dịch vụ kèm theo liên quan đến biển, như lặn ngắm san hô, săn cá bằng chĩa, câu mực, câu cá mập... thì cũng buồn. Nhưng đổi lại, sẽ không có cảnh bị chèo kéo bởi một lực lượng đông đảo những người cung cấp dịch vụ, kiểu như đã từng phải bỏ của chạy lấy người ở Phú Quốc. Côn Đảo thích hợp cho một chuyến nghỉ dưỡng dài ngày hơn là vui chơi. Mọi thứ đều chậm chạp đến uể oải, gió lồng lộng và cuộc sống cứ lăn tròn đều...

Mùa này, Côn Đảo... Condao1999-400a
Những căn nhà cổ, kiển trúc đặc trưng trên Côn Đảo về đêm.


Chị hướng dẫn viên ở khu nhà tù chuồng cọp Mỹ có nước da đặc trưng dân miệt biển, người vâm váp, chất phác... nói với tôi những nét ngoài lề về Côn Đảo bằng giọng rất tự hào. Câu chuyện cứ được lái từ nhà tù Mỹ khác nhà tù Pháp như thế nào, rồi phát triển lên chuyện bảo vệ và tôn tạo di tích... Cứ thế, cứ thế kéo dài mãi ra. Mà cũng chẳng đâu như Côn Đảo, mở mắt ra là thấy di tích, tối khép mắt lại vẫn thấy di tích. Ngay khu khách sạn mình lưu trú, nhìn bên trái cũng thấy di tích, nhìn bên phải cũng thấy di tích... Vừa bước ra đường cũng thấy tòa nhà kiểu Pháp bỏ hoang, đã lên rêu xanh rờn... cũng di tích.

Những di tích được bao quanh bằng các con đường nhỏ, sạch loáng. Sạch hơn cả những con đường tại các thành phố sang trọng, chỉ quen thấy trong phim ảnh. Trên con đường ấy, những cây bàng có tuổi đời cả thế kỷ cao vời vợi, tỏa tán mát rượi...

Mùa này, Côn Đảo... Condao1999-400b
Di tích trại Phú Bình.


Nếu không ra Côn Đảo, tôi không thể hình dung được cây bàng lại có dáng dấp của một cây cổ thụ đến thế. Gốc cây to đến vài vòng tay người ôm và sần sùi, thân cao... có gì đó khác biệt và lạ lẫm. Khắp đảo, ở đâu cũng thấy bàng. Ngay trong nhà bếp của Tiểu đoàn thí điểm Tâm lý chiến cũng thấy đầy vỏ bàng khô. Từ những tàn tích cho đến hiện đại, đều có sự hiện diện của cây hoặc trái bàng. Rồi không hiểu từ bao giờ, người trên đảo nghiễm nhiên thừa nhận hạt bàng là một đặc sản của đảo.

Trong quầy lưu niệm của khách sạn, ngoài đường phố, bến tàu... ở đâu cũng có những người đẩy xe bán món đặc sản Côn Đảo. Họ tách trái bàng khô ra lấy nhân, xong rang với muối hoặc đường, đóng vào chai nhựa và... bán. Mà tình thật, ngoài trái bàng, Côn Đảo không có gì gọi là đặc sản.

Mọi thứ mùa biển động đều đắt gấp nhiều lần so với đất liền, kể cả hải sản, loại thực phẩm mà người ta cứ tưởng cứ ra ngoài đó, bỏ ít tiền là thoải mái mang về.

3. Nếu cho mình được phép bình bầu để lựa ra một hòn đảo nên đến nhất tại Việt Nam, tôi sẽ dành phiếu bầu của mình cho Côn Đảo.

Không bị cơn bão mang tên ví tiền của khách du lich càn lướt qua, nên người dân Côn Đảo vẫn giữ được sự thân thiện của ngư dân tại một xóm chài hơn là một hòn đảo đang trên đà phát triển du lịch. Đành rằng thi thoảng, cũng sẽ gặp một ít bực mình khi mua những thứ lặt vặt, nhưng đó là chuyện không lớn để có thể phủ nhận sự thân thiện đáng mến này. Cơ sở hạ tầng của Côn Đảo rất tốt, những con đường được trải nhựa, thẳng tắp. Duy có điều, không biết các đơn vị thi công hạ tầng tại đây nghĩ thế nào mà không bao giờ chịu... đậy nắp hố ga cho các cái cống trên vỉa hè dành cho người đi bộ. Họ cảnh báo khách bộ hành bằng cách gác trên miệng cống một ít cây khô, giấy vụn... Thậm chí là, chẳng cảnh báo gì cả.

Biển ở Côn Đảo đẹp đến mơ hồ, nhưng có điều những ngày tôi lưu trú tại hòn đảo này, chỉ có thể tắm biển vào khoảng giữa trưa khi nước biển đã bắt đầu bớt căng thẳng và nước rút đi đôi chút. Bãi biển rất sạch, phía dưới bãi tắm cũng sạch... Không như Phú Quốc, trong quá trình thi công những khu du lich tráng lệ, người ta thản nhiên đổ hết cát xây dựng, gạch vụn, nguyên cả mảng tường cũ xuống khu vực tắm biển dành cho khách du lich. Họ làm như thể biển là cái ao bỏ hoang trong vườn nhà họ, muốn quẳng cái gì xuống là quẳng. Tắm biển ở nhiều cụm khu du lich tại Phú Quốc, vừa tắm vừa hồi hộp, không biết sẽ bị những loại vật liệu phế thải ấy cắt chân mình lúc nào. Ở Côn Đảo, không phải sợ hãi cảm giác này, rất thoải mái(!).

Không biết có đúng như lời anh nhân viên nhà hàng đã khoe với tôi về chuyện UBND huyện đã cấm việc săn bắt ốc biển để bảo tồn chủng loài này. Đặc biệt, là ốc vú nàng, một loại hải sản thuộc hàng đặc trưng của Côn Đảo. Anh nói ở những nhà hàng lớn, không bao giờ có ốc để bán cho khách du lich. Bởi nếu bị các đoàn thanh kiểm tra phát hiện, họ sẽ bị phạt rất nặng vì không tuân thủ nguyên tắc. Nếu đúng như vậy thì đây là chủ trương rất đáng hoan nghênh.

Mùa này, Côn Đảo... Condao1999-400c
Bên trong một khu trại giam ở Côn Đảo.


Côn Đảo ngày biển động, nằm mãi trong khách sạn nói những câu chuyện cũ qua điện thoại di động mãi cũng buồn, tôi lang thang ra cầu tàu ngồi ngắm biển. Một tốp thanh niên neo tàu ngoài biển, đi ké ghe vào trong bờ tranh thủ ngồi... nhậu chờ biển êm để ra khơi kéo tôi sang ngồi chung bàn. Uống chay, tức là chỉ có rượu và một ít trái cây vụn, mận còn xanh, ổi chua, đu đủ chai - loại đu đủ chỉ bé bằng nắm tay... Rượu vào, câu chuyện phút chốc bỗng trở nên phóng khoáng hơn, mà hình như trước biển, gió cứ lồng lộng vào áo, nên ai cũng nói chuyện mạnh bạo hơn chăng (?!).

Những câu chuyện khốn khó, xoay qua xoay lại cũng là chuyện tiền nong, xăng nhớt, thu hoạch, buông lưới. Nói chán, mọi người xoay sang hỏi tôi làm gì, tôi trả lời tôi là nhà báo. Họ cứ cười cười không biết đang nghĩ gì, nghe loáng thoáng đâu đó bảo rằng nhà báo sao không có... máy quay phim (?!). Tàn cuộc rượu lúc hơn 21 giờ, đường phố vắng hoe, những niềm riêng cứ man mác dâng tràn trong suy tưởng.

Côn Đảo mùa biển động cũng có cái thú của nó, nói mãi cũng không thoát khỏi chuyện gió. Gió lành lạnh thổi xộc vào mũi, có cảm giác cả cơ thể cứ lâng lâng theo gió. Cả năm nhốt mình ở Sài Gòn, hít toàn bụi và khói xe, chịu cảnh tắc đường, chịu tra tấn bởi lô-cốt, ngập nước, hố tử thần... giờ ra đến đây được thở bằng gió mùa biển động. Mà không đâu gió phóng khoáng bằng ở đảo, gió tự do thổi tràn mặt phố, trên tán cây bàng, trên ngọn cỏ lau, trên đỉnh núi, giữa triền đồi... gió lồng lộng không nề hà, không toan tính. Thích thế(!).

Trong chương trình truyền hình có vẻ như đã được mặc định sẵn tại khách sạn, có kênh truyền hình cứ phát đi phát lại liên tục những ưu điểm của vùng đất Côn Đảo, từ biển cho đến rừng rồi thảm thực vật... nhưng lại quên mất gió.

Đó là một điều thiếu sót. Bởi đơn giản, nếu không cải thiện kịp thời bằng sự quyết tâm cao độ với những chính sách và chủ trương hợp lý, thì có lẽ chưa đến 2 thập niên nữa, người dân đang sinh sống tại TP HCM không thể thở được mỗi khi bước ra đường do bị ô nhiễm.

Và khi ấy, người ta ra Côn Đảo chỉ với một mục đích duy nhất, được.. thở(!)

Theo Tour Viet Nam
Về Đầu Trang Go down
 
Mùa này, Côn Đảo...
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Việt Nam Học-Văn Hóa Du Lịch :: Tài Liệu Và Kiến Thức Du Lịch :: Tổng Quan Du Lịch Việt Nam :: Tổng Quan Du Lịch Miền Nam-
Chuyển đến